(TBTCO) - Bộ Tài chính vừa có báo cáo kết quả kiểm tra tổng thể việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa trên phạm vi toàn quốc năm 2023. Báo cáo cho thấy, việc quản lý tiền công đức đã và đang có sự chuyển biến tích cực theo hướng công khai, minh bạch. Theo Bộ Tài chính, với việc quản lý tốt nguồn thu, chi tiền công đức sẽ góp phần nâng cao hiệu quả các nguồn lực xã hội cho phát triển văn hóa nói riêng và cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung.
Việc kiểm đếm, ghi chép tiền công đức tại các đền chùa phải được thực hiện công khai, minh bạch. Ảnh tư liệu minh họa
Chính sách cụ thể, rõ ràng
Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, trước năm 2023 chưa có văn bản pháp luật điều chỉnh về quản lý tiền công đức trong phạm vi cả nước, nên một số địa phương ban hành văn bản quy định đối với các di tích trên địa bàn cấp tỉnh, giao cho đơn vị sự nghiệp công lập quản lý. Còn lại, đa số các địa phương không có văn bản quy định về hoạt động này. Do đó, việc quản lý tiền công đức, tài trợ chủ yếu là theo thông lệ, theo truyền thống và đặc điểm riêng của mỗi cơ sở di tích.
Lắp camera giám sát tại các điểm tiếp nhận
Để góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực xã hội cho phát triển văn hóa của đất nước, Bộ Tài chính khuyến nghị các địa phương lắp camera giám sát tại các điểm tiếp nhận, kiểm đếm tiền công đức, tài trợ; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong việc sử dụng tiền công đức, tài trợ. Các địa phương phải xem đây là nhiệm vụ, là văn hóa ứng xử của người đại diện, hoặc ban quản lý di tích trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo.
|
Năm 2023, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 04/2023/TT- BTC (Thông tư 04) hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội; tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội. Đây được coi là “kim chỉ nam” giúp cho các địa phương xây dựng và ban hành văn bản quy định về quản lý tiền công đức, tài trợ bảo đảm phù hợp với thực tế của từng di tích và phong tục, tập quán của địa phương mình.
Theo nhận xét, đánh giá từ Bộ Tài chính, từ khi có Thông tư 04, việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử đã và đang có sự chuyển biến tích cực theo hướng công khai, minh bạch. Cụ thể, tại các di tích tuy có sự khác nhau về loại hình, về quy mô, cũng như chủ thể quản lý nhưng có điểm chung là người đại diện, hoặc ban quản lý di tích đã thể hiện tinh thần trách nhiệm trong việc tiếp nhận, kiểm đếm và quản lý thu chi.
Tiêu biểu là tại di tích quốc gia Đền Chợ Củi, xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Từ năm 2015-2023, địa phương thực hiện giao khoán thu tiền công đức cho hộ gia đình theo mức 2,5 tỷ đồng/năm.Từ năm 2024 thực hiện quản lý theo Thông tư 04, số thực thu trong 2 tháng đầu năm đã hơn 4,3 tỷ đồng, cao hơn mức khoán cả năm 1,7 lần.
Hơn nữa, việc tổ chức lễ hội tại di tích có sự phân công trách nhiệm cụ thể cho các thành viên ban tổ chức. Kinh phí tổ chức lễ hội chủ yếu từ nguồn công đức, tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân và nguồn thu từ hoạt động dịch vụ trong khu vực tổ chức lễ hội. Việc sử dụng ngân sách nhà nước (nếu có) chỉ còn hỗ trợ đối với hoạt động phục dựng, bảo vệ lễ hội truyền thống nhằm duy trì các giá trị văn hóa đặc sắc, tiêu biểu, đáp ứng đời sống tinh thần của nhân dân.
Công khai, minh bạch thu - chi
Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, hiện có 15.324 di tích có số liệu thu, chi tiền công đức, tài trợ. Tổng số tiền thực thu trong năm 2023 của các di tích này là 4.100 tỷ đồng (không bao gồm các khoản công đức, tài trợ bằng hiện vật, công trình xây dựng; tiền công đức, tài trợ cho hoạt động tôn giáo của tổ chức tôn giáo).
Nguồn thu công đức, tài trợ tại các di tích ngoài sử dụng cho tu bổ, tôn tạo di tích và tổ chức lễ hội, còn đóng góp tích cực cho các hoạt động xã hội, từ thiện như: hỗ trợ cho người có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa; ủng hộ xây nhà cho hộ nghèo, làm đường giao thông nông thôn, xây dựng các công trình phúc lợi phục vụ cộng đồng. Đơn cử như di tích Miếu Bà Chúa Xứ ở Châu Đốc (An Giang) có số thu công đức, tài trợ năm 2023 là 220 tỷ đồng, đã sử dụng 93 tỷ đồng (42%) để chi cho các hoạt động cộng đồng.
Tuy nhiên, cũng theo Bộ Tài chính, việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại không ít di tích chưa chặt chẽ, tiềm ẩn rủi ro, để thất thoát, trộm cắp. Đáng chú ý, một số di tích giao tiền cho cá nhân giữ, đứng tên gửi tiết kiệm, cho các cá nhân vay, đã có trường hợp bị lừa nhiều tỷ đồng. Một số di tích có thói quen giữ tiền mặt mà không gửi vào tài khoản bị kẻ gian lấy trộm; nhiều di tích tiếp nhận tiền trong hòm công đức chưa kịp thời bị kẻ gian cạy phá hòm lấy tiền. Cá biệt, có trường hợp nhân viên ban quản lý di tích lấy trộm tiền công đức đã bị phát hiện, số tiền không nhiều, nhưng hành vi trộm cắp tiền công đức đã để lại ấn tượng không tốt với du khách thập phương…
Theo đó, để quản lý hiệu quả hơn nữa tiền công đức, tài trợ góp phần nâng cao hiệu quả nguồn lực xã hội cho phát triển văn hóa, phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Tài chính lưu ý người đại diện, hoặc ban quản lý di tích cần mở sổ ghi chép đầy đủ các khoản thu, chi bảo đảm công khai, minh bạch.
Trường hợp di tích chưa mở tài khoản tại ngân hàng, hoặc Kho bạc Nhà nước, cần thực hiện ngay để bảo đảm việc quản lý an toàn. Theo Bộ Tài chính, hiện thanh toán không dùng tiền mặt đang trở thành thói quen của mọi người, do đó, việc công đức, tài trợ theo hình thức chuyển khoản là bình thường, vừa văn minh vừa dễ dàng kiểm soát, không cản trở hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo.
Đồng thời, Bộ Tài chính cũng lưu ý người đại diện, hoặc ban quản lý di tích cần quản lý chặt chẽ các khoản tiền đã tiếp nhận, bao gồm tiền trong hòm công đức. Đối với tiền mặt tạm thời chưa sử dụng cần gửi kịp thời vào tài khoản để bảo đảm việc quản lý an toàn, hạn chế thiệt hại do hành vi trộm cắp. Trường hợp ban quản lý di tích đang giao tiền cho cá nhân giữ, đứng tên gửi tiết kiệm, hoặc cho vay cần thực hiện thu hồi ngay để quản lý theo tài khoản của ban quản lý.
Vân Hà (Nguồn:https://thoibaotaichinhvietnam.vn/cong-khai-minh-bach-tien-cong-duc-de-nang-cao-nguon-luc-xa-hoi-153805-153805.html)