Chính phủ ban hành Nghị định về miễn, giảm thuế

Nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân được sớm thụ hưởng chính sách miễn, giảm thuế, thuận lợi trong việc xuất hóa đơn cũng như kê khai, nộp thuế và triển khai thực hiện thống nhất trên toàn quốc, ngay sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15, Bộ Tài chính đã khẩn trương nghiên cứu, xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15.

Ảnh minh họa


Nghị định số 15/2022/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 01/02/2022.

Việc xây dựng và ban hành Nghị định số 15/2022/NĐ-CP đảm bảo bám sát các nội dung quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với pháp luật thuế và pháp luật chuyên ngành có liên quan. Ngoài ra, cũng đơn giản, minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện và phù hợp với thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, người dân, qua đó khuyến khích các doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh theo chủ trương của Đảng và Nhà nước; đồng thời phù hợp với xu thế chung của thế giới về thực hiện các giải pháp hỗ trợ nhằm sớm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Về giảm thuế Giá trị gia tăng (GTGT), để thuận tiện cho tổ chức, cá nhân và cơ quan quản lý thuế, đồng thời đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật chuyên ngành, Nghị định số 15/2022/NĐ-CP đã nêu rõ hàng hóa, dịch vụ không được áp dụng giảm thuế GTGT theo các Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định.

Nghị định số 15/2022/NĐ-CP cũng quy định giảm thuế GTGT đối với nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất thuế GTGT 10% (không phân biệt đối tượng cung cấp hàng hóa, dịch vụ là doanh nghiệp, tổ chức hay hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh). Do vậy, việc áp dụng giảm thuế GTGT sẽ không phân biệt phương pháp tính thuế là phương pháp khấu trừ hay phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu. Quy định này nhằm tạo điệu kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân được thụ hưởng chính sách.

Để người tiêu dùng thực sự được hưởng lợi từ việc giảm thuế GTGT, Nghị định số 15/2022/NĐ-CP cũng đã giao các Bộ theo chức năng, nhiệm vụ và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, trong đó tập trung các giải pháp ổn định cung cầu hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng giảm thuế giá trị gia tăng nhằm giữ bình ổn mặt bằng giá cả thị trường (giá chưa có thuế giá trị gia tăng) từ ngày 01/02/2022 đến hết ngày 31/12/2022 cơ bản ổn định so với thời điểm trước ngày 01/02/2022.

Về chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam, chính sách này giống với quy định tại khoản 8 Điều 3 Nghị quyết số 128/2020/QH14 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 và đã được hướng dẫn thực hiện cụ thể theo Nghị định số 44/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021 của Chính phủ. Do vậy, Nghị định số 15/2022/NĐ-CP đã hướng dẫn cụ thể điều kiện cũng như hồ sơ thực hiện trên cơ sở kế thừa quy định tại Nghị định số 44/2021/NĐ-CP để các doanh nghiệp, tổ chức dễ dàng áp dụng.

Tiếp tục cải cách nhằm tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp 

Nghị định quy định cụ thể các nội dung chính sách đã được Quốc hội quyết định, vì vậy phạm vi tác động từ các giải pháp hỗ trợ quy định tại Nghị định số 15/2022/NĐ-CP nằm trong nội dung đã báo cáo Quốc hội khi trình Nghị quyết, theo đó dự kiến sẽ có tác động giảm thu NSNN của năm 2022 khoảng 51,4 nghìn tỷ đồng (trong đó chính sách giảm thuế GTGT là khoảng 49,4 nghìn tỷ đồng; thực hiện chi phí được trừ đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 là khoảng 02 nghìn tỷ đồng).

Số tiền thuế được hỗ trợ này sẽ góp phần giúp doanh nghiệp, tổ chức và người dân vượt qua khó khăn do tác động của dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, đồng thời có tác dụng kích thích tiêu dùng, đầu tư qua đó đóng góp vào kết quả khôi phục lại nền kinh tế của đất nước sau dịch bệnh và góp phần thực hiện an sinh xã hội.

Để khắc phục và bù đắp các tác động đến thu NSNN trong ngắn hạn cũng như đảm bảo sự chủ động trong điều hành dự toán NSNN, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan và địa phương chú trọng chỉ đạo thực hiện và triển khai hiệu quả các Luật thuế; tiếp tục cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế; đồng thời quyết liệt công tác quản lý thu NSNN, tập trung triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhóm giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng sẽ tiếp tục cải cách trên mọi mặt công tác: hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy, cải cách thủ tục hành chính theo hướng toàn diện và hiệu quả hơn, tiếp tục đẩy mạnh hiện đại hoá các lĩnh vực của ngành Tài chính, đặc biệt là trong các lĩnh vực thuế, hải quan... là các lĩnh vực có liên quan nhiều và trực tiếp tới doanh nghiệp, người dân nhằm tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp để cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Kim Chung (Nguồn:www.mof.gov.vn)





Video tuyên truyền nông thôn mới
  • Hạ tầng giao thông, khát vọng phát triển
  • Lễ Hội Cá Tôm Sông Đà Tỉnh Hòa Bình năm 2023
  • Ứng dụng PC Covid
  • Hướng dẫn cài đặt Bluezone để phòng, chống dịch COVID-19
  • Top 12 điểm du lịch nổi tiếng tại Hòa Bình thu hút khách du lịch nhất
  • ANTV Truyền hình công an nhân dân
1 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 529
  • Trong tuần: 5 287
  • Tất cả: 771467
 BẢN QUYỀN THUỘC VỀ SỞ TÀI CHÍNH TỈNH HÒA BÌNH
Địa chỉ: Đường Trần Hưng Đạo, TP. Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình
Điện thoại: (0218) 3 852 106 - Fax: (0218) 3 852249
Email: stchoabinh@mof.gov.vn
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 47/GP-STTTT ngày 07/4/2016
 Chung nhan Tin Nhiem Mang