Sức mạnh vô song đi tới hưng thịnh
(TBTCO) - Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh phát triển văn hóa là một trong những vấn đề trọng tâm. Đây là lần đầu tiên trong văn kiện đại hội, Đảng ta đề cập một cách toàn diện, sâu sắc đến lĩnh vực văn hóa. Theo đó, năm 2022 bắt đầu ghi dấu những chuyển động để văn hóa dần trở thành sức mạnh vô song đưa đất nước tới sự hưng thịnh.

Văn hóa - cội nguồn và động lực phát triển. Ảnh: TL 

Yêu Tổ quốc, hãy yêu khúc dân ca

Đúng 75 năm sau ngày 24/11/1946 - ngày Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất được tổ chức tại Nhà hát Lớn (Hà Nội) dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh; ngày 24/11/2021, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc, với sự tham dự của tất cả các lãnh đạo chủ chốt của đất nước, các ủy viên Bộ Chính trị, lãnh đạo các bộ, ngành và lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Phát biểu tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng canh cánh trách nhiệm “phải giữ gìn, trân trọng và phát huy di sản văn hóa, nếu không là chúng ta có tội với lịch sử, là vong ân bội nghĩa với tổ tiên, cha ông chúng ta. Bác Hồ trước lúc đi xa vẫn còn dặn lại rằng: "Muốn yêu Tổ quốc mình thì phải yêu những khúc hát dân ca!".

Hiện nay, cả nước ta có tới 166 bảo tàng, trong đó có 4 bảo tàng quốc gia với hơn 3 triệu hiện vật; 3.486 tổng di tích được xếp hạng quốc gia, trong đó có 1.626 di tích lịch sử; 105 di tích quốc gia đặc biệt; 288 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (riêng Hà Nội có 21 lễ hội); 27 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được UNESCO công nhận là "di sản văn hóa thế giới" (riêng tỉnh Bắc Ninh đã có 2 di sản văn hóa thế giới là Dân ca quan họ và Ca trù)... Đó là một tài sản vô cùng quý báu, không phải quốc gia nào cũng có được.

Tổng Bí thư yêu cầu cấp ủy đảng và chính quyền các cấp phải nhận thức sâu sắc và quán triệt đầy đủ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng về văn hóa và trên cơ sở đó xây dựng các chương trình, kế hoạch thực hiện, huy động tối đa các nguồn lực để phát triển văn hóa. Khắc phục tư tưởng "duy kinh tế", chỉ tập trung cho kinh tế mà ít quan tâm đến văn hóa. Phải quán triệt nghiêm túc quan điểm "văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội".

Công cuộc chấn hưng nhất định thành công

“Nhất định chúng ta sẽ khắc phục được mọi khó khăn, vượt qua mọi thách thức để chấn hưng và xây dựng thành công một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp tục làm vẻ vang thêm cho dân tộc, cho giống nòi, tạo thành sức mạnh vô song để xây dựng Tổ quốc ta ngày càng cường thịnh, nhân dân ta ngày càng hạnh phúc, đất nước ta ngày càng phồn vinh”. - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

“Khi chúng ta hội nhập sâu vào kinh tế thị trường thì cái lo của chúng ta là có giữ được văn hóa không? Đây không là việc dễ dàng, nhưng vì sự trường tồn của dân tộc, phải quyết giữ. Trải qua hàng ngàn năm văn hiến, văn hóa được coi là một sức mạnh nền tảng trong mọi tiến trình dựng nước và giữ nước. Bản sắc văn hóa là một trong những yếu tố cốt lõi tạo nên bản sắc dân tộc. Dân tộc nào gìn giữ được bản sắc của mình thì dân tộc đó mãi mãi trường tồn”. - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.

“Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trên cơ sở các yếu tố nền tảng, trụ cột chính là con người, thiên nhiên và truyền thống lịch sử, văn hóa. Phát huy tinh thần đoàn kết, trí tuệ, bản lĩnh và đạo đức con người Việt Nam. Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, để thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”. - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

“Ngay từ ngày thành lập nước (2/9/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Trong công cuộc kiến thiết nước nhà, có bốn vấn đề cùng phải chú ý đến, cùng phải coi trọng ngang nhau là: chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội”. Ngày nay, việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngang tầm công cuộc phát triển đất nước nhanh và bền vững, trong tầm nhìn tới năm 2045, trở thành đòi hỏi ngày càng cấp bách”. - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Vừa làm ra đạo lý, vừa làm ra tiền của

Một năm sau hội nghị này, tháng 12/2022, lãnh đạo Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và các cơ quan có liên quan tổ chức hội thảo về chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa”. Chủ trì hội thảo này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết một số người trực tiếp làm văn hóa có trao đổi với ông rằng “văn hóa làm ra đạo lý, văn hóa cũng có thể làm ra tiền của” và ông đồng tình với quan điểm này. Chính phủ cũng đã xác định mục tiêu đến năm 2030, doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP.

Dẫn ra ví dụ công nghiệp văn hóa đang là ngành nghề kinh doanh mới nổi ở Trung Quốc, Chủ tịch Quốc hội chia sẻ về việc mới đây ông đã trực tiếp nghiên cứu ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc và đã chứng kiến tỉnh này làm cho công nghiệp văn hóa phát triển rất mạnh, với 100 doanh nghiệp, 100 dự án văn hóa kêu gọi đầu tư. Trong khi đó ở Việt Nam, việc huy động nguồn lực xã hội cho văn hóa còn chưa hiệu quả, còn ỷ lại nhà nước, hoạch định chính sách văn hóa chưa được quan tâm đúng mức.

Khơi dậy nguồn sức mạnh "mềm" lớn lao

Chấn hưng văn hóa để lĩnh vực này trở thành sức mạnh vô song là một cuộc cách mạng đầy lý trí nhưng cũng đầy cảm xúc. Theo ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhận thức đầy đủ về mối quan hệ biện chứng sâu sắc giữa văn hóa và phát triển có nghĩa đặc biệt quan trọng để khơi dậy nguồn sức mạnh “mềm” lớn lao, hoán chuyển các tài nguyên văn hóa, các giá trị quốc gia, giá trị văn hoá, giá trị gia đình và sức mạnh của con người Việt Nam thành những giá trị phát triển; làm cho văn hóa không chỉ được đặt ngang hàng mà còn thẩm thấu sâu hơn, lan tỏa mạnh hơn, thật sự trở thành “hồn cốt” của các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội trong suốt quá trình phát triển.

Còn với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, chấn hưng văn hóa, là để cho quê nhà không bị biến đổi thành những mảnh ghép vô hồn, vô cảm; mãi mãi là điểm tựa, là nơi để trở về. “Hầu hết người Việt đều đi ra từ nông thôn - một vùng quê thương nhớ. Bôn ba chốn thị thành nhưng mỗi khi “lòng xác xơ”, chúng ta ai cũng muốn trở về quê để nạp đầy năng lượng yêu thương” - ông Hoan bâng khuâng, “nơi ở đó là những hàng rào cây xanh, những đường làng quanh co thênh thang, những miệt vườn xanh mướt, những ao làng, giếng làng mềm mại hồn quê…”

Nhấn mạnh vai trò của nền văn hóa giàu bản sắc của dân tộc là bệ đỡ, tạo sức mạnh nội sinh để đất nước ta vượt qua muôn vàn thử thách, gian nan, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nhiều cảm xúc khi nhắc đến những năm qua, xã hội được chứng kiến các giá trị nhân văn, tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái được phát huy cao độ, nhất là những thời điểm đất nước khó khăn, thiên tai, dịch bệnh. Tuy nhiên, theo ông Thưởng, vị trí, vai trò của văn hóa chưa thực sự được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội và một trong những yêu cầu bức thiết đặt ra là cần sớm hoàn thiện thể chế, chính sách về văn hóa, đáp ứng các yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới.

Đoàn Trần (Nguồn:www.thoibaotaichinhvietnam.vn)




Video tuyên truyền nông thôn mới
  • Hạ tầng giao thông, khát vọng phát triển
  • Lễ Hội Cá Tôm Sông Đà Tỉnh Hòa Bình năm 2023
  • Ứng dụng PC Covid
  • Hướng dẫn cài đặt Bluezone để phòng, chống dịch COVID-19
  • Top 12 điểm du lịch nổi tiếng tại Hòa Bình thu hút khách du lịch nhất
  • ANTV Truyền hình công an nhân dân
1 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 4
  • Hôm nay: 8
  • Trong tuần: 4 335
  • Tất cả: 769948
 BẢN QUYỀN THUỘC VỀ SỞ TÀI CHÍNH TỈNH HÒA BÌNH
Địa chỉ: Đường Trần Hưng Đạo, TP. Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình
Điện thoại: (0218) 3 852 106 - Fax: (0218) 3 852249
Email: stchoabinh@mof.gov.vn
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 47/GP-STTTT ngày 07/4/2016
 Chung nhan Tin Nhiem Mang