Hướng dẫn chế độ quản lý, tính hao mòn, khấu hao tài sản cố định
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 23/2023/TT-BTC về hướng dẫn chế độ quản lý, tính hao mòn, khấu hao tài sản cố định tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và tài sản cố định do Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Thông tư số 23/2023/TT-BTC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/6/2023 và được áp dụng từ năm tài chính 2023.

Thông tư số 23/2023/TT-BTC chỉ rõ, tiêu chuẩn xác định tài sản cố định là tài sản sử dụng độc lập; Một hệ thống gồm nhiều bộ phận tài sản riêng lẻ liên kết với nhau để cùng thực hiện một hay một số chức năng nhất định, mà nếu thiếu bất kỳ một bộ phận nào trong đó thì cả hệ thống không thể hoạt động được; Một hệ thống gồm nhiều bộ phận tài sản riêng lẻ, liên kết với nhau, trong đó mỗi bộ phận cấu thành có thời gian sử dụng khác nhau và có chức năng hoạt động độc lập, đồng thời đòi hỏi phải quản lý riêng từng bộ phận tài sản thì mỗi bộ phận tài sản riêng lẻ đó; Quyền sử dụng đất đối với từng thửa đất hoặc phần diện tích được giao cho cơ quan, tổ chức, đơn vị trong từng thửa đất; Quyền sở hữu trí tuệ được đăng ký, xác lập theo từng Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả...

Về nguyên tắc quản lý tài sản cố định, mọi tài sản cố định hiện có tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp được quản lý chặt chẽ về hiện vật và giá trị theo đúng quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản cộng và pháp luật có liên quan. Các chỉ tiêu về nguyên giá, hao mòn, khấu hao, giá trị còn lại của tài sản cố định, phần giá trị thương hiệu của đơn vị sự nghiệp công lập phân bổ vào chi phí liên doanh, liên kết là số nguyên; trường hợp kết quả xác định các chỉ tiêu này là số thập phân thì được làm tròn theo nguyên tắc cộng thêm 01 vào phần số nguyên. 

Các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp có trách nhiệm lập thẻ tài sản cố định, kế toán đối với toàn bộ tài sản cố định hiện có của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp theo đúng quy định của chế độ kế toán hiện hành; mỗi tài sản cố định được xác định là một đối tượng ghi sổ kế toán. 

Đồng thời, thực hiện kiểm kê tài sản định kỳ hàng năm; thực hiện điều chỉnh số liệu kế toán nếu có chênh lệch phát sinh khi thực hiện kiểm kê; Thực hiện báo cáo kê khai, báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. 

Tài sản cố định đã tính đủ hao mòn hoặc đã khấu hao hết giá trị nhưng vẫn còn sử dụng được thì cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp vẫn phải tiếp tục quản lý, theo dõi, bảo quản theo quy định của pháp luật. Trường hợp tài sản cố định đã tính đủ hao mòn hoặc đã khấu hao hết giả trị nhưng sau đó thuộc trường hợp phải thay đổi nguyên giá theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Thông tư này thì phải tính hao mòn, trích khấu hao tài sản theo quy định của pháp luật cho thời gian sử dụng còn lại sau khi thay đổi nguyên giá (nếu có). 

Theo Thông tư số 23/2023/TT-BTC, nguyên giá và giá trị còn lại của tài sản cố định được quy định sử dụng như sau: Nguyên giá tài sản cố định xác định theo quy định tại các Điều 6, 7 và 8 Thông tư này, giá trị còn lại của tài sản cố định xác định theo quy định tại Điều 16 Thông tư này được sử dụng để ghi sổ kế toán, xác định thẩm quyền quyết định sử dụng, xử lý tài sản cộng theo quy định, kê khai để đăng nhập thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công.

Không sử dụng nguyên giá tài sản cố định xác định theo quy định tại các Điều 6, 7 và 8 Thông tư này, giá trị còn lại của tài sản cố định xác định theo quy định tại Điều 16 Thông tư để làm giá bán tài sản, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, cho thuê tài sản, xác định giá trị để góp vốn liên doanh, liên kết, sử dụng tài sản cố định để tham gia dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư. 

Liên quan đến nguyên tắc trích khấu hao tài sản cố định, Bộ Tài chính quy định cụ thể tại Thông tư số 23/2023/TT-BTC, nguyên tắc trích khấu hao tài sản cố định đối với tài sản cố định quy định tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều 11 Thông tư này thực hiện theo quy định áp dụng cho doanh nghiệp. 

Đối với tài sản cố định quy định tại điểm c khoản 2 Điều 11 thì việc trích khấu hao tài sản cố định được thực hiện từ ngày tài sản cố định được sử dụng vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết và dừng trích khấu hao tài sản cố định từ sau ngày kết thúc việc sử dụng tài sản cố định vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết.

Chi phí khấu hao tài sản cố định phải được phân bổ cho từng hoạt động sự nghiệp, từng hoạt động kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết để hạch toán chi phí của từng hoạt động tương ứng. 

Ngoài ra, Thông tư số 23/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính đã quy định rất cụ thể về công thức xác định nguyên giá tài sản cố định hữu hình, vô hình, đặc thù; Xác định nguyên giá tài sản cố định trong trường hợp thay đổi nguyên giá tài sản cố định; Phạm vi tài sản cố định tính hao mòn, khấu hao; Thời gian tính hao mòn và tỷ lệ hao mòn tài sản cố định; Trích khấu hao tài sản cố định tại đơn vị sự nghiệp công lập...

Đức Mạnh (Nguồn:https://tapchitaichinh.vn/huong-dan-che-do-quan-ly-tinhhaomon-khauhaotai-san-co-dinh.html)




Video tuyên truyền nông thôn mới
  • Hạ tầng giao thông, khát vọng phát triển
  • Lễ Hội Cá Tôm Sông Đà Tỉnh Hòa Bình năm 2023
  • Ứng dụng PC Covid
  • Hướng dẫn cài đặt Bluezone để phòng, chống dịch COVID-19
  • Top 12 điểm du lịch nổi tiếng tại Hòa Bình thu hút khách du lịch nhất
  • ANTV Truyền hình công an nhân dân
1 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 62
  • Trong tuần: 4 466
  • Tất cả: 768718
 BẢN QUYỀN THUỘC VỀ SỞ TÀI CHÍNH TỈNH HÒA BÌNH
Địa chỉ: Đường Trần Hưng Đạo, TP. Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình
Điện thoại: (0218) 3 852 106 - Fax: (0218) 3 852249
Email: stchoabinh@mof.gov.vn
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 47/GP-STTTT ngày 07/4/2016
 Chung nhan Tin Nhiem Mang