Hoàn thiện thể chế, chính sách để khơi thông dòng vốn đầu tư công
Để “khơi thông” dòng vốn đầu tư công, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, giải pháp căn cơ, lâu dài là cần sửa đổi, hoàn thiện quy định pháp luật theo hướng thông thoáng, giảm vướng mắc cho giải ngân vốn đầu tư công.

Bộ trưởng Bộ Tài chính được giao làm Tổ trưởng Tổ công tác số 5 về đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công

Còn nhiều khó khăn, vướng mắc

Công tác giải ngân vốn đầu tư công được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định là nhiệm vụ chính trị trọng tâm và chỉ đạo rất sát sao trong thời gian vừa qua.

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, vừa qua Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị, Công điện và các văn bản chỉ đạo, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương nhằm mục tiêu phấn đấu giải ngân hết kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước đã được giao.

Mặc dù các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực trong công tác giải ngân, tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân 03 tháng đầu năm 2023 còn thấp. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023 đến ngày 31/3/2023 là 73.192,092 tỷ đồng, đạt 10,35% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, tỷ lệ giải ngân như trên là rất chậm. Dòng vốn đầu tư công chậm triển khai sẽ không tạo được sức hút cho các nguồn vốn khác, từ đó ảnh hưởng đến dòng vốn cũng như sự phát triển của nền kinh tế.

Việc giải ngân vốn đầu tư công còn nhiều khó khăn, vướng mắc và tập trung ở tất cả các khâu trong quy trình quản lý dự án đầu tư. Trong đó, một trong những nút thắt của công tác này là khó khăn, vướng mắc trong quy định của luật pháp đối với dự án đầu tư công.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, dự án sau khi được giao vốn trung hạn và hàng năm cho nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư mới bắt đầu thực hiện các bước lập, thẩm định quyết định chủ trương đầu tư; lập, thẩm định, quyết định đầu tư dự án. Khi xong thủ tục chuẩn bị đầu tư (phê duyệt xong dự án) mới thông báo vốn để thực hiện dự án, triển khai các bước tiếp theo như lập thiết kế, dự toán, đấu thầu lựa chọn nhà thầu..... Quy trình này phải thực hiện qua nhiều bước với nhiều khâu thẩm định, nên từ khi dự án bắt đầu bước thủ tục đến khi giải ngân được thường mất từ 6 tháng đến 1 năm, đối với dự án nhóm A có thể tới 2 năm.

Bên cạnh đó, các dự án đầu tư xây dựng thường gắn với giải phóng mặc bằng. Tuy nhiên, công tác đền bù giải phóng mặt bằng được thực hiện đồng thời với quy trình thực hiện dự án, vì vậy nhiều trường hợp dự án đã đấu thầu xong nhưng chưa có mặt bằng để thi công... Đây là nguyên nhân dẫn tới tình trạng giải chậm giải ngân thời gian qua.

Những khó khăn về thể chế, cơ chế chính sách trong giải ngân vốn đầu tư công cũng đã từng được Chính phủ đề cập trong báo cáo Quốc hội về tình hình, kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022 và dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2023.

Chính phủ đánh giá, toàn bộ quá trình thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công chịu sự quy định của pháp luật của nhiều ngành, lĩnh vực liên quan, quy định thủ tục còn rườm rà và kéo dài thời gian, nhiều khâu thực hiện, trong đó khó khăn chủ yếu về lĩnh vực đất đai, đấu thầu, tài nguyên môi trường.

Hoàn thiện thể chế, chính sách theo hướng thông thoáng

Để “khơi thông” dòng vốn đầu tư công, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng, giải pháp căn cơ, lâu dài là cần  sửa đổi, hoàn thiện quy định pháp luật theo hướng thông thoáng, giảm vướng mắc cho giải ngân vốn đầu tư công.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc lấy ví dụ như: Tách phần giải phóng mặt bằng triển khai trước để đảm bảo "phần đền bù và giải phóng mặt bằng phải được đi trước một bước".  Như vậy, khi đấu thầu, ký hợp đồng xong thì bên thi công có thể nhận mặt bằng sạch để triển khai thi công, từ đó sẽ sớm có khối lượng thanh toán, giải ngân, công trình sớm đưa vào sử dụng để phát huy hiệu quả.

Nội dung thứ hai là phân cấp chủ quản đầu tư, nghiên cứu thêm trường hợp chủ đầu tư có thể chủ động sử dụng một số khoản kinh phí hợp pháp ngoài kế hoạch đầu tư công trung hạn (kể cả nguồn vốn chi thường xuyên) để lập dự án, chuẩn bị đầu tư trước thay vì phải đợi tổng hợp hay bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn. Các quy trình quản lý hiện hành cũng cần phân cấp mạnh hơn, toàn diện hơn, không quy định giữ một vài khâu quản lý ở trên đối với các nội dung đã phân cấp cho cấp dưới.

Ngoài ra, trong công tác chuẩn bị đầu tư, Bộ trưởng cho rằng, cần phải xác định được nguồn nguyên vật liệu để đảm bảo cung cấp đầy đủ, không bị ách tắc khi triển khai công trình. Công tác điều chỉnh giá nguyên vật liệu cũng cần được các cơ quan có thẩm quyền thông báo giá kịp thời để điều chỉnh, đảm bảo công trình không bị gián đoạn và không gây thiệt hại cho nhà thầu.

Về phía Bộ Tài chính, với chức năng quản lý, thanh toán vốn đầu tư công theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công, Bộ Tài chính đã thực hiện nhiều giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Trong đó, về cơ chế chính sách, Bộ Tài chính đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 99/2021/NĐ-CP ngày 11/11/2021 quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công.

Theo đó, cơ quan kiểm soát thanh toán vốn đầu tư công thực hiện thanh toán theo quy trình “thanh toán trước, kiểm soát sau” cho từng lần giải ngân cho đến khi giá trị giải ngân đạt 80% giá trị hợp đồng thì mới chuyển sang hình thức “kiểm soát trước, thanh toán sau”. Đồng thời, thời gian kiểm soát chi hiện nay đã được rút ngắn xuống chỉ từ 01-03 ngày làm việc. Quy định này đã giúp đẩy nhanh quá trình thanh toán, giải ngân vốn đầu tư công.

Vừa qua, để thúc đẩy giải ngân nguồn vốn quan trọng này ngay từ đầu năm, Bộ Tài chính đã ban hành các văn bản gửi các bộ, cơ quan trung ương và địa phương về đôn đốc triển khai phân bổ, nhập dự toán để phục vụ giải ngân ngay sau khi kế hoạch vốn được cấp thẩm quyền giao.

Đặc biệt, với vai trò là Tổ trưởng Tổ công tác số 5 về đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã kiểm tra tình hình giải ngân và kịp thời chỉ đạo triển khai các giải pháp thúc đẩy công tác này đối với 4/12 địa phương thuộc Tổ công tác có số giải ngân năm 2023 thấp hơn bình quân cả nước gồm: Đắk Nông, Gia Lai, Đồng Nai, Bình Dương.

Các văn bản của Bộ Tài chính đều nhấn mạnh vai trò quan trọng của công tác giải ngân vốn đầu tư công trong thúc đẩy tăng trưởng phát triển kinh tế và kiềm chế lạm phát. Đồng thời, đề nghị các địa phương nghiêm túc thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và văn bản của Bộ Tài chính về tăng cường quản lý, thanh toán để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2023 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Trần Huyền (Nguồn:https://tapchitaichinh.vn/hoan-thien-the-che-chinh-sach-de-khoi-thong-dong-von-dau-tu-cong.html)




Video tuyên truyền nông thôn mới
  • Hạ tầng giao thông, khát vọng phát triển
  • Lễ Hội Cá Tôm Sông Đà Tỉnh Hòa Bình năm 2023
  • Ứng dụng PC Covid
  • Hướng dẫn cài đặt Bluezone để phòng, chống dịch COVID-19
  • Top 12 điểm du lịch nổi tiếng tại Hòa Bình thu hút khách du lịch nhất
  • ANTV Truyền hình công an nhân dân
1 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 3
  • Hôm nay: 335
  • Trong tuần: 5 093
  • Tất cả: 771273
 BẢN QUYỀN THUỘC VỀ SỞ TÀI CHÍNH TỈNH HÒA BÌNH
Địa chỉ: Đường Trần Hưng Đạo, TP. Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình
Điện thoại: (0218) 3 852 106 - Fax: (0218) 3 852249
Email: stchoabinh@mof.gov.vn
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 47/GP-STTTT ngày 07/4/2016
 Chung nhan Tin Nhiem Mang