Công tác kiểm tra, giám sát góp phần quan trọng xây dựng Đảng bộ tỉnh trong sạch, vững mạnh
(HBĐT) - Công tác kiểm tra, giám sát (KT,GS) và kỷ luật
Đảng có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong toàn bộ hoạt động của Đảng, là
nhân tố đảm bảo để chủ trương, đường lối của Đảng được thực hiện nghiêm túc, hiệu
quả nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng (TCĐ),
tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp
hành T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy và lãnh
đạo cơ quan UBKT Tỉnh ủy trao đổi các giải pháp nâng cao chất lượng công tác
kiểm tra, giám sát của Đảng bộ tỉnh.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến công
tác KT,GS của Đảng. Người chỉ rõ: "Nếu tổ chức việc kiểm tra cho chu đáo
thì cũng như có ngọn đèn "pha”. Bao nhiêu tình hình, bao nhiêu ưu điểm và
khuyết điểm, bao nhiêu cán bộ, chúng ta đều thấy rõ... Chín phần mười khuyết
điểm trong công việc của chúng ta là vì thiếu sự kiểm tra. Nếu tổ chức sự kiểm
tra được chu đáo, thì công việc của chúng ta nhất định tiến bộ gấp mười, gấp
trăm”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh: Kiểm tra là
một chức năng lãnh đạo của Đảng, là nhiệm vụ của toàn Đảng; lãnh đạo mà không
kiểm tra coi như không lãnh đạo, mọi tổ chức và đảng viên (ĐV) đều bình đẳng
trước kỷ luật của Đảng và đều phải chịu sự KT,GS, thi hành kỷ luật của Đảng.
KT,GS là "thanh bảo kiếm để chữa lành các vết thương”. Trong KT,GS cần
thực hiện phương châm "không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.
Xuất phát từ yêu cầu lãnh đạo và công tác xây dựng Đảng
trong thời kỳ mới của cách mạng nước ta, ngày 16/10/1948, Ban Thường vụ (BTV)
T.Ư Đảng khoá I đã quyết định thành lập Ban Kiểm tra T.Ư - Cơ quan Kiểm tra
chuyên trách đầu tiên của Đảng. Ngày 18/4/1951, tại Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ
nhất, khoá II đã cử ra Ban Kiểm tra - Cơ quan Kiểm tra chuyên trách đầu tiên
của Đảng bộ tỉnh. Đó cũng là ngày truyền thống của ngành kiểm tra Đảng tỉnh Hòa
Bình.
Trong suốt chặng đường 75 năm xây dựng và phát triển, dưới
sự lãnh đạo của T.Ư và cấp ủy các cấp, đội ngũ cán bộ kiểm tra thuộc Đảng bộ
tỉnh luôn thể hiện rõ bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định lập trường quan
điểm của Đảng, trung thành với lý tưởng cách mạng, đoàn kết, thống nhất khắc
phục khó khăn, luôn năng động, sáng tạo để nâng cao chất lượng, hiệu quả công
tác kiểm tra, góp phần quan trọng vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và công
tác xây dựng Đảng trong từng thời kỳ, tô thắm truyền thống cao đẹp, vẻ vang của
ngành kiểm tra Đảng: "tuyệt đối trung thành với Đảng, tận tụy với nhiệm vụ,
trung thực, liêm khiết, đoàn kết, kỷ luật”.
Những năm qua, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, BTV Tỉnh ủy và
cấp ủy các cấp trong tỉnh đã triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định,
hướng dẫn của T.Ư về công tác KT,GS và thi hành kỷ luật đảng. Từ đầu nhiệm kỳ
2020 - 2025 đến nay, cấp ủy đã ban hành nhiều văn bản quy định về công tác
KT,GS, nổi bật như: Quy định số 06-QĐ/TU, ngày 25/5/2021 về quy trình giải
quyết thông tin phản ánh liên quan đến các tập thể, cá nhân suy thoái về tư
tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của
Nhà nước; Quy định số 07-QĐ/TU, ngày 22/6/2021 về chế độ báo cáo, theo dõi,
KT,GS việc thực hiện các kết luận, kiểm toán, thanh tra, KT,GS; Quy định số
08-QĐ/TU, ngày 28/6/2021 về tổ chức và hoạt động của đoàn KT,GS của BTV Tỉnh
ủy, các cơ quan tham mưu giúp việc Tỉnh ủy; Quyết định số 175-QĐ/TU, ngày
21/5/2021 ban hành Quy trình kiểm tra và giám sát chuyên đề của các cơ quan
tham mưu giúp việc Tỉnh ủy...
BTV Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị
liên quan chủ động nắm tình hình, định hướng dư luận, đấu tranh chống hoạt động
diễn biến hòa bình trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa; kiên quyết ngăn chặn, đẩy
lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên (CB, ĐV) suy thoái về tư tưởng chính trị,
đạo đức, lối sống "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa”; thành lập Ban Chỉ
đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của tỉnh. Công tác KT,GS được triển khai
toàn diện, số cuộc KT,GS tăng nhiều so với nhiệm kỳ trước, tập trung vào những
vấn đề nóng, nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, thu hút sự quan tâm của Nhân dân.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, cấp ủy các cấp đã tiến hành kiểm
tra 2.789 TCĐ và 3.656 ĐV (tăng 76,07% TCĐ và 112,1% ĐV so với cùng thời điểm
nhiệm kỳ 2015 - 2020); cấp ủy và Ủy ban kiểm tra (UBKT) các cấp giám sát 2.618
TCĐ và 3.562 ĐV (tăng 8,63% ĐV so với cùng thời điểm nhiệm kỳ 2015 - 2020). Đã
tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 221 TCĐ và 520 ĐV (tăng
22,77% TCĐ và 8,1% ĐV so với cùng thời điểm nhiệm kỳ 2015 - 2020).
Về thi hành kỷ luật Đảng, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, cấp ủy
và UBKT các cấp đã thi hành kỷ luật 31 tổ chức (cấp tỉnh 4 tổ chức, cấp huyện
và cơ sở 27 tổ chức) và 479 ĐV (cấp tỉnh 19 trường hợp, cấp huyện và cơ sở 460
trường hợp).
Kết quả KT,GS đã nhận được sự đồng tình của dư luận, góp
phần tạo niềm tin của Nhân dân với Đảng, giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật của Đảng,
tăng cường sự đoàn kết, thống nhất, nâng cao chất lượng đội ngũ CB, ĐV, nâng
cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của TCĐ, xây dựng Đảng bộ tỉnh ngày càng
trong sạch, vững mạnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác KT,GS vẫn còn
những hạn chế, tồn tại, đó là: Việc xây dựng chương trình hành động thực hiện
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp có cấp ủy thực hiện chưa được kịp thời; công
tác quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản còn nhiều hạn chế, giải phóng mặt
bằng chưa đáp ứng yêu cầu tiến độ, cải cách hành chính, môi trường kinh doanh
chậm chuyển biến; đời sống Nhân dân ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn. Một
số cấp ủy, TCĐ, UBKT cấp cơ sở chưa thực sự quan tâm thực hiện tốt công tác
KT,GS và kỷ luật của Đảng, chưa bám sát, tập trung sâu vào vấn đề nổi cộm, bức
xúc, những vấn đề dễ phát sinh vi phạm, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; việc
theo dõi đôn đốc, KT,GS thực hiện các kết luận sau KT,GS còn chưa triệt để;
chưa phát hiện được nhiều TCĐ và ĐV vi phạm để chuyển kiểm tra khi có dấu hiệu
vi phạm; số lượng các cuộc kiểm tra TCĐ, ĐV khi có dấu hiệu vi phạm chưa cao,
chưa phát huy được hiệu quả tích cực...
Để kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế, thời gian
tới, công tác KT,GS của cấp ủy và UBKT các cấp trong tỉnh cần tập trung làm tốt
một số nhiệm vụ chủ yếu sau:
Một là, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt triển
khai thực hiện nghiêm túc các văn kiện của T.Ư, Nghị quyết Đại hội XIII của
Đảng; Điều lệ Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII gắn với đẩy
mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tạo chuyển
biến trong nhận thức, hành động của CB, ĐV và Nhân dân trong thực hiện các
nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, cơ quan, đơn vị. Tiếp tục quán triệt
phương châm "chủ động, chiến đấu, giáo dục, hiệu quả” công tác KT,GS của
các cấp ủy, TCĐ và UBKT các cấp; tập trung KT,GS việc thể chế hóa Nghị quyết
Đại hội Đảng các cấp bằng các chương trình, đề án, dự án cụ thể, thiết thực,
khả thi ở tất cả các cấp, các ngành và hệ thống chính trị, phù hợp với chức
năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và chức trách nhiệm vụ được giao.
Hai là, triển khai đồng bộ các giải pháp về xây dựng Đảng,
xây dựng hệ thống chính trị. Làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo
đức, lối sống cho CB, ĐV, công chức, viên chức. Nâng cao chất lượng sinh hoạt
chi bộ, quản lý, kết nạp đảng viên; đổi mới nâng cao vai trò lãnh đạo của tổ
chức cơ sở đảng từ chi bộ đến Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; phát huy vai trò,
trách nhiệm nêu gương của CB, ĐV trong thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là CB, ĐV,
người đứng đầu các cấp ủy, chính quyền. Tập trung đánh giá, rà soát các chỉ
tiêu, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2020 - 2025, từ đó xác định những chỉ tiêu đạt, những
chỉ tiêu khó đạt để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhằm thực hiện thắng lợi nghị
quyết đã đề ra.
Ba là, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác KT,GS
và thi hành kỷ luật đảng, trong đó chú trọng những vấn đề được CB, ĐV và Nhân
dân quan tâm; các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh vi phạm; đấu tranh phòng,
chống tham nhũng, tiêu cực; việc phối hợp giữa công tác KT,GS của Đảng với công
tác thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án của các cơ quan bảo vệ
pháp luật; việc phối hợp trong xem xét, xử lý vi phạm của các TCĐ, ĐV vi phạm;
kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn, gây khó
khăn, nhũng nhiễu, tham ô, tham nhũng cản trở sự phát triển chung của tỉnh.
Bốn là, tăng cường vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ
chức chính trị - xã hội trong giám sát, phản biện, góp ý xây dựng Đảng, xây
dựng chính quyền; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên và Nhân dân để kịp
thời tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền giải quyết những khó khăn, vướng mắc tạo
sự đồng thuận trong Nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát
triển KT - XH của tỉnh.