Chi ngân sách chỉ được thực hiện khi có trong dự toán được giao
Tại dự thảo Thông tư hướng dẫn kiểm soát, thanh toán các khoản chi thường xuyên qua Kho bạc Nhà nước đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến rộng rãi có quy định, hình thức kiểm soát, thanh toán các khoản chi thường xuyên từ NSNN qua Kho bạc Nhà nước được thực hiện theo 2 hình thức “thanh toán trước, kiểm soát sau” và “kiểm soát trước, thanh toán sau”.

Kho bạc Nhà nước sẽ thực hiện kiểm soát các khoản chi thường xuyên theo 2 hình thức. Ảnh minh họa: H.T

Cụ thể, thanh toán trước, kiểm soát sau là hình thức thanh toán áp dụng đối với từng lần thanh toán của các hợp đồng thanh toán nhiều lần, trừ lần thanh toán cuối cùng. Sau khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, hợp pháp, KBNN làm thủ tục thanh toán cho đối tượng thụ hưởng trong thời hạn 1 ngày làm việc; đồng thời gửi 1 chứng từ báo Nợ cho đơn vị để xác nhận đã thực hiện thanh toán, gửi 1 chứng từ báo Có cho đơn vị (nếu đơn vị thụ hưởng mở tài khoản tại KBNN).

Trong thời hạn 1 ngày làm việc kể từ ngày thanh toán, KBNN thực hiện kiểm soát hồ sơ theo chế độ quy định. Trường hợp sau khi kiểm soát phát hiện khoản chi không đảm bảo đúng chế độ quy định, KBNN có văn bản thông báo kết quả kiểm soát chi theo mẫu gửi đơn vị sử dụng ngân sách (SDNS); sau đó thực hiện xử lý thu hồi giảm trừ giá trị thanh toán vào lần thanh toán liền kề tiếp theo.

Trường hợp lần thanh toán liền kề tiếp theo không đủ khối lượng hoàn thành/dự toán để giảm trừ, KBNN thực hiện thu hồi giảm chi NSNN (trường hợp chưa quyết toán ngân sách) hoặc thu hồi nộp NSNN (trường hợp đã quyết toán ngân sách) theo quy định và thực hiện hạch toán kế toán theo đúng quy định.

Công chức KBNN Hải Dương đang hướng dẫn đơn vị SDNS các thủ tục thanh toán vốn chi thường xuyên. Ảnh: H.T

Hình thức “kiểm soát trước, thanh toán sau” sẽ áp dụng đối với tất cả các khoản chi trong đó, KBNN thực hiện kiểm soát, thanh toán theo đúng thời gian quy định sau khi nhận đầy đủ hồ sơ hợp pháp, hợp lệ.

 

Thông tư hướng dẫn cơ chế kiểm soát, thanh toán các khoản chi thường xuyên qua KBNN từ các nguồn: NSNN; nguồn phí, lệ phí được để lại theo chế độ quy định và các nguồn từ khoản thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật tại Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17 /10/2005 của Chính phủ quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế, kinh phí quản lý hành chính đối với cơ quan nhà nước; nguồn thu dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, dịch vụ y tế dự phòng, học phí của đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (đơn vị nhóm 3) và đơn vị sự nghiệp công do NSNN bảo đảm chi thường xuyên (đơn vị nhóm 4) và nguồn thu phí theo pháp luật về phí, lệ phí của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.

Thông tư này không hướng dẫn đối với các khoản chỉ của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và các khoản chi ngân sách có cơ chế hướng dẫn riêng theo quy định của cấp có thẩm quyền.

 

Bên cạnh đó, dự thảo thông tư cũng đưa ra những quy định cụ thể về nguyên tắc kiểm soát, thanh toán qua KBNN. Theo đó, các khoản chi NSNN phải đáp ứng điều kiện chi NSNN theo quy định tại Luật NSNN và Nghị định số 11/2020/NĐ- CP của Chính phủ quy định thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực KBNN và hồ sơ đảm bảo tính hợp pháp, hợp lệ theo quy định của pháp luật hiện hành.

Chi NSNN thực hiện theo nguyên tắc thanh toán trực tiếp tại KBNN cho người hưởng lương, phụ cấp, trợ cấp và người cung cấp hàng hóa, dịch vụ. Trường hợp một số khoản chi chưa đủ điều kiện thực hiện việc thanh toán trực tiếp từ KBNN, đơn vị SDNS được tạm ứng kinh phí để chủ động chi theo dự toán được giao, sau đó đơn vị thanh toán với KBNN theo đúng quy định (về tạm ứng và mức tạm ứng).

Trường hợp các khoản chi NSNN thực hiện bằng hình thức giao dịch điện tử qua Trang thông tin dịch vụ công của KBNN, việc kiểm soát, thanh toán của KBNN phải tuân thủ theo quy định về giao dịch điện tử trọng hoạt động nghiệp vụ KBNN theo các quy định hiện hành.

Về nội dung kiểm soát chi qua KBNN, dự thảo thông tư quy định việc kiểm soát, kiểm tra, đối chiếu của KBNN phải đảm bảo các nội dung: Chi NSNN chỉ được thực hiện khi có trong dự toán ngân sách được giao, trừ trường hợp quy định tại Điều 51 của Luật NSNN (về tạm cấp ngân sách); đã được thủ trưởng đơn vị SDNS, chủ đầu tư hoặc người được ủy quyền quyết định chi, số dư tài khoản của đơn vị còn đủ để chi. Tính đầy đủ, hợp pháp, hợp lệ của hồ sơ, chứng từ kế toán đối với từng khoản chi. Dấu và chữ ký trên chứng từ kế toán khớp đúng với mẫu đã đăng ký giao dịch tại KBNN. Nội dung chi phải phù hợp với mã nội dung kinh tế theo quy định của Mục lục ngân sách hiện hành. Đúng tiêu chuẩn, định mức…

 

Khi được ban hành, Thông tư hướng dẫn kiểm soát, thanh toán các khoản chi thường xuyên qua Kho bạc Nhà nước áp dụng đối với cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân giao dịch với Kho bạc Nhà nước; Kho bạc Nhà nước cơ quan tài chính các cấp.

Vân Hà (Nguồn:www.thoibaotaichinhvietnam.vn)

 




Video tuyên truyền nông thôn mới
  • Hạ tầng giao thông, khát vọng phát triển
  • Lễ Hội Cá Tôm Sông Đà Tỉnh Hòa Bình năm 2023
  • Ứng dụng PC Covid
  • Hướng dẫn cài đặt Bluezone để phòng, chống dịch COVID-19
  • Top 12 điểm du lịch nổi tiếng tại Hòa Bình thu hút khách du lịch nhất
  • ANTV Truyền hình công an nhân dân
1 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 13
  • Hôm nay: 83
  • Trong tuần: 4 410
  • Tất cả: 770023
 BẢN QUYỀN THUỘC VỀ SỞ TÀI CHÍNH TỈNH HÒA BÌNH
Địa chỉ: Đường Trần Hưng Đạo, TP. Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình
Điện thoại: (0218) 3 852 106 - Fax: (0218) 3 852249
Email: stchoabinh@mof.gov.vn
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 47/GP-STTTT ngày 07/4/2016
 Chung nhan Tin Nhiem Mang