Thực hiện quyết liệt các giải pháp phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững
(Chinhphu.vn) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký
Công điện số 993/CĐ-TTg ngày 24/10/2023 về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt
các giải pháp phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững,
góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Thực
hiện quyết liệt các giải pháp phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành
mạnh, bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Công điện nêu: Thời gian qua, Chính
phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo, các bộ ngành, địa phương đã nỗ
lực vào cuộc, phối hợp thực hiện đồng bộ các chính sách, nhiệm vụ, giải pháp
tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, nhất là các khó khăn vướng mắc về
pháp lý, nguồn vốn. Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp này đã có hiệu quả,
tạo được những chuyển biến tích cực, nhất là việc giảm lãi suất cho vay và tín
dụng cho bất động sản. Từ đầu năm 2023 đến nay, đã có 10 dự án nhà ở xã hội,
nhà ở cho công nhân được khởi công với tổng số khoảng 19.853 căn, đã có 20 tỉnh
công bố danh mục 52 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình tín dụng 120.000
tỷ đồng với nhu cầu vay vốn là 25.884 tỷ đồng.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được,
vẫn còn những khó khăn, vướng mắc liên quan tới pháp lý, giao đất, xác định giá
đất, thị trường vốn, thủ tục hành chính, việc phân cấp, phân quyền, nhất là
tiếp cận tín dụng cho bất động sản vẫn còn nhiều khó khăn. Để tiếp tục thúc đẩy
thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, góp phần đẩy
mạnh phát triển kinh tế xã hội, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
1. Bộ trưởng các bộ, Thủ trưởng cơ
quan ngang bộ, cơ quan liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương và các doanh nghiệp quyết tâm hơn nữa, trách nhiệm hơn
nữa, chủ động tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ,
giải pháp đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao tại Nghị quyết số
33/NQ-CP ngày 11 tháng 3 năm 2023, Công điện số 1164/CĐ-TTg ngày 14 tháng 12
năm 2022, Công văn số 178/TTg-CN ngày 27 tháng 3 năm 2023, Công điện số 194/CĐ-TTg
ngày 01 tháng 4 năm 2023, Thông báo số 133/TB-VPCP ngày 16 tháng 4 năm 2023 và
tại các quyết định, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trước đây. Các Bộ, ngành và
địa phương phải coi đây là một trong những nhiệm vụ cấp bách, quan trọng cần
tập trung giải quyết theo nguyên tắc vướng mắc thuộc thẩm quyền của cấp nào thì
cấp đó phải giải quyết, không né tránh, đùn đẩy, sợ sai, sợ trách nhiệm.
2. Bộ trưởng Bộ Xây dựng:
a) Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các
Ủy ban của Quốc hội hoàn thiện dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), dự thảo Luật Kinh
doanh bất động sản (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 6
bảo đảm khả thi, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển
thị trường bất động sản công khai, minh bạch, an toàn, lành mạnh và bền vững;
Khẩn trương xây dựng, hoàn thiện dự thảo các văn bản quy định chi tiết, hướng
dẫn thi hành các Luật, nhất là quy định về trình tự, thủ tục triển khai các dự
án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, khu đô thị mới để bảo đảm có hiệu lực đồng
thời với các Luật, tránh khoảng trống pháp lý.
b) Phát huy vai trò, trách nhiệm Tổ
trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, hoạt động Tổ Công tác quyết liệt
hơn, mạnh mẽ hơn, toàn diện hơn, kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn vướng
mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án bất động sản, nhất là các dự án nhà
ở, khu đô thị, khu công nghiệp lớn, có tác động lan tỏa; Kịp thời tham mưu đề
xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách để đẩy
mạnh phân cấp, ủy quyền, cắt giảm thủ tục hành chính, loại bỏ các rào cản, đẩy
nhanh tiến độ triển khai các dự án bất động sản trên cả nước.
c) Tập trung chỉ đạo, đôn đốc, hướng
dẫn các địa phương, doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Đề án
"Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu
nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030", trong đó cần
xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội theo từng
năm từ nay đến năm 2030 phù hợp với yêu cầu, điều kiện của từng địa phương, định
kỳ hàng quý tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.
d) Đôn đốc các địa phương thực hiện rà
soát, quy hoạch, bố trí quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội khu vực đô thị,
nhà ở cho công nhân theo đúng quy định pháp luật; Thực hiện nghiêm quy định
dành quỹ đất làm nhà ở xã hội và bảo đảm tỷ lệ hợp lý giữa phát triển nhà ở
thương mại và nhà ở xã hội trên địa bàn.
3. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt
Nam:
a) Chỉ đạo các ngân hàng thương mại
tiếp tục thúc đẩy việc cho vay tín dụng với lĩnh vực bất động sản; Có giải pháp
phù hợp tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất; Tiếp tục rà soát cắt giảm
hơn nữa các thủ tục hành chính không phù hợp, gây phiền hà, tốn kém để doanh
nghiệp, dự án bất động sản và người mua nhà tiếp cận được nguồn vốn tín dụng thuận
lợi hơn. Có chính sách khuyến mại tín dụng đặc biệt dành cho các dự án bất động
sản khả thi, tiến độ triển khai nhanh, tạo động lực cho tăng trưởng và thúc đẩy
thị trường bất động sản.
b) Chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ
Xây dựng rà soát kỹ các thủ tục điều kiện cho vay thuận lợi thông thoáng, kiểm
soát được và đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Chương trình tín dụng
120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải
tạo xây dựng lại chung cư cũ. Chỉ đạo các Ngân hàng Thương mại khẩn trương
hướng dẫn các thủ tục vay vốn tín dụng đối với các dự án đã được công bố đủ
điều kiện và có nhu cầu vay vốn đối với cả chủ đầu tư và người cần mua nhà của
chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng.
4. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi
trường:
a) Khẩn trương hoàn thiện, trình cấp
có thẩm quyền xem xét, ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số
44/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 quy định phương pháp định giá đất trong
tháng 10 năm 2023.
b) Tiếp tục đầu tư công sức, phối hợp
chặt chẽ với các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan liên quan hoàn thiện dự án
Luật Đất đai (sửa đổi) đảm bảo đồng bộ với dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật
Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).
c) Kịp thời hướng dẫn các địa phương
giải quyết các vướng mắc liên quan đến giao đất, cho thuê đất, xác định giá
đất, lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm, nhất là ở cấp huyện; Đề xuất
xử lý tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản thuộc lĩnh vực quản lý đối
với những vấn đề phát sinh, vượt thẩm quyền.
5. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương:
a) Khẩn trương hoàn thành việc lập,
điều chỉnh, bổ sung Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của các địa phương,
nhất là lập, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch kịp thời, hiệu quả, triển khai cụ
thể cho việc đầu tư các dự án nhà ở xã hội từng năm từ nay đến năm 2030 theo
chỉ tiêu đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Đề án; Định kỳ hàng quý báo cáo
kết quả thực hiện về Bộ Xây dựng để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
b) Rà soát, thống kê số lượng các dự
án bất động sản đang triển khai trên địa bàn; Tích cực phân loại các dự án đang
gặp khó khăn, vướng mắc; Tích cực chủ động làm việc trực tiếp với từng doanh
nghiệp, từng dự án có vướng mắc hoặc triển khai chậm để xác định rõ các nguyên
nhân, kịp thời tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền; Tổng hợp
các khó khăn vướng mắc vượt thẩm quyền gửi về Tổ công tác của Thủ tướng Chính
phủ xem xét, giải quyết hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định kịp
thời, hiệu quả.
c) Đẩy nhanh việc lập, phê duyệt các
quy hoạch, nhất là quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị làm cơ sở để triển khai
các dự án bất động sản đồng bộ, hiện đại, trong đó lưu ý bố trí các dự án nhà ở
xã hội, nhà ở cho công nhân độc lập tại các vị trí phù hợp, thuận tiện, đầy đủ
hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Công bố công khai Danh mục dự án bất động sản
phải lựa chọn chủ đầu tư theo hình thức đấu thầu để các doanh nghiệp có đầy đủ
thông tin, chủ động nghiên cứu, đăng ký tham gia đầu tư một cách công khai,
minh bạch.
d) Chỉ đạo các cơ quan chức năng đẩy
nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục đầu tư, xây dựng, giao đất, xác định giá
đất, sớm triển khai thực hiện các dự án bất động sản, trong đó ưu tiên đẩy
nhanh tiến độ các dự án bất động sản công nghiệp, nhà ở xã hội, nhà ở cho công
nhân. Kiên quyết không để tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, chậm trễ,
nhũng nhiễu, tiêu cực trong giải quyết các thủ tục hành chính làm ảnh hưởng đến
tiến độ triển khai các dự án bất động sản.
đ) Chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi
trường, Sở Tài chính và các cơ quan liên quan tập trung giải quyết, tháo gỡ
ngay các vướng mắc, chậm trễ về giao đất, cho thuê đất, xác định giá đất. Xem
xét, quyết định giá đất theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật và chịu
trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu để xảy ra chậm trễ, ảnh hưởng đến
tiến độ triển khai thực hiện các dự án đầu tư.
6. Văn phòng Chính phủ thường xuyên
theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện nhiệm vụ được
giao tại Công điện này, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình, kết quả
thực hiện.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị các Bộ,
ngành, địa phương, cơ quan có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền
được giao chủ động, tích cực thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Công điện
này, tiếp tục tạo chuyển biến tích cực và thúc đẩy thị trường bất động sản phát
triển an toàn, lành mạnh, bền vững, gắn với đẩy mạnh triển khai có hiệu quả Đề
án "Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu
nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030"./.