Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững ở Đà Bắc
(ĐCSVN) - Những năm qua, ngành nông nghiệp Đà Bắc (Hòa Bình) đã đưa ra nhiều giải pháp thiết thực, nhằm từng bước khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, dần hình thành những vùng sản xuất tập trung, theo hướng hàng hóa quy mô lớn, bền vững, phát huy tối đa các tiềm năng nông nghiệp địa phương.

Các buổi hội thảo kết hợp thực tế các mô hình nông nghiệp góp phần cải thiện trình độ canh tác, sản xuất nông nghiệp cho người dân Đà Bắc. Ảnh: Xuân Hiền

Điển hình như việc Hợp tác xã (HTX) dược liệu Big Farm đã tiến hành khảo sát, thuê lại những vùng đất hoang hóa của bà con nông dân và trồng thử nghiệm trên 10ha một số loài cây dược liệu giá trị kinh tế cao tại xóm Men, xã Yên Hòa, huyện Đà Bắc.

Đến nay, HTX trên đã trồng thành công các loại cây dược liệu như đương quy, cát sâm, hà thủ ô, bạch chỉ... trong đó có nhiều loại thảo dược quý hiếm gồm thất diệp nhất chi hoa, cát cánh, kim ngân.... qua đó cho thấy thổ nhưỡng địa phương rất phù hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của các cây dược liệu.

Với mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững, sản xuất theo hướng hữu cơ, HTX dược liệu Big Farm đã hướng đến trồng cây dược liệu bằng phân bón hữu cơ và các loại thuốc bảo vệ thực vật nguồn gốc thảo mộc. Đến nay, vườn dược liệu của HTX Big Farm đã có hơn 20 loại thảo dược, phần lớn sản phẩm thu hoạch tới đâu đều được các doanh nghiệp, cơ sở bào chế dược phẩm trong nước thu mua tới đó để làm thuốc.

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi của huyện Đà Bắc, gia đình bà Đinh Thi Huệ, xóm Cha, xã Toàn Sơn là một trong những hộ gia đình đi đầu trong hoạt động này. Tận dụng diện tích vườn hơn 2.000m2 thay vì trồng những cây trồng truyền thống như ngô, bà Huệ đã chuyển đổi sang trồng hơn 200 gốc bưởi diễn. Với điều kiện khí hậu thuận lợi và đất đai màu mỡ cây bưởi diễn phát triển khá tốt.

Những năm qua, huyện Đà Bắc đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người dân. Ảnh: Kim Chiến 

Năm 2021 vườn bưởi của gia đình cho thu hoạch tới hơn 1,3 vạn quả với giá trung bình 10 nghìn đồng/quả đã cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Do bưởi trồng lâu năm, quả ngon ngọt nên cứ đến vụ là thương lái đến tận vườn thu mua. Năm nay tuy thời tiết không mấy thuận lợi, song vườn bưởi nhà bà cũng vẫn sai quả. Bà Huệ cùng nhiều người dân địa phương đang phối hợp với các cơ quan chuyên trách của huyện Đà Bắc để sớm tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, tạo ra sinh kế thực sự bền vững…

Theo số liệu của Phòng Nông nghiệp huyện Đà Bắc, đến nay toàn huyện có tổng diện tích lúa hơn 1.000ha, đạt 103,5% kế hoạch, năng suất đạt 56,10tạ/ha, sản lượng ước đạt 5.778,30 tấn; diện tích cây ngô 3.855ha, năng suất đạt 52,90tạ/ha; khoai lang 50,50ha, lạc 27,70ha, rau màu các loại 227,55ha; chè 128,80ha; cây ăn quả gần 300ha, trong đó diện tích diện tích cây ăn quả có múi như cam, quýt, bưởi, chanh trên 157,98ha….

Tính đến tháng 7/2022, toàn huyện trồng được 45ha gai xanh AP1 chủ yếu được triển khai tại các xã Đoàn Kết, Trung Thành, Mường Chiềng, Yên Hòa… năng suất dự kiến đạt 3 tấn/ha/năm, tổng thu nhập từ cây gai xanh 110-120 triệu đồng/ha. Từ đó mà đời sống của bà con các dân tộc huyện miền núi Đà Bắc không ngừng được cải thiện, nhiều nhà đã thoát khỏi cảnh đói nghèo, vươn lên làm giàu trên chính đồng đất quê mình. 

Cạnh đó, huyện Đà Bắc còn phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm với tổng đàn trâu, bò khoảng có khoảng 18.855 con, dê 7958 con, ngựa 370 con với 389.553 con gia súc, gia cầm. Ngoài ra, huyện còn phát triển nuôi dê sinh sản tại xã Tu Lý; nhân rộng mô hình nuôi gà bằng thảo dược với quy mô lên tới trên 1.000 con ở xã Toàn Sơn, Thắng Hiền và thị trấn Đà Bắc.

 

Đà Bắc có lợi thế khoảng 7.000 ha mặt nước hồ thủy điện để đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản. Ảnh: Xuân Hiền

Khai thác lợi thế khoảng 7.000 ha mặt nước hồ thủy điện, những năm qua, huyện Đà Bắc đã thực hiện nhiều giải pháp phát triển ngành nghề nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, góp phần giảm nghèo và làm giàu cho người dân, trong đó, tập trung phát triển mạnh ở các xã ven hồ như: Hiền Lương, Vầy Nưa, Tiền Phong…

Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản toàn huyện là 96,60ha, tổng số lồng cá nuôi 1.911 lồng. Sản lượng nuôi trồng và đánh bắt thủy sản 6 tháng đầu năm 2022 đạt 678,77 tấn (trong đó sản lượng nuôi trồng 565,08 tấn, sản lượng đánh bắt 113,69 tấn). Nhờ tận dụng tốt lợi thế sẵn có, nghề nuôi trồng thủy sản của huyện ngày càng mở rộng quy mô phát triển, áp dụng quy trình sản xuất sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, người nuôi trồng thủy sản được tạo điều kiện tiếp cận khoa học kỹ thuật; công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản được tăng cường, công tác chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho cá được chú trọng...tạo sự phát triển bền vững cho nghề nuôi cá.

Còn trong lĩnh vực lâm nghiệp, 6 tháng đầu năm 2022, toàn huyện Đà Bắc đã trồng mới 400ha rừng, đạt 50% kế hoạch; huyện có trên 160 tổ đội bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) ở các thôn, bản được củng cố, kiện toàn, tổ chức trực PCCCR sẵn sàng xử lý mọi tình huống, sự cố liên quan đến rừng. Hạt Kiểm lâm huyện đã triển khai nghiệp vụ tổ chức kiểm tra, truy quét 25 lượt tại các khu rừng trọng điểm, vùng giáp ranh, những nơi thường xảy ra phá rừng làm nương; đồng thời tổ chức lực lượng thường trực tại các trạm 24/24h nhằm phát hiện và ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Khắc Vinh – Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Đà Bắc cho biết: Để đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, cũng như góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện miền núi Đà Bắc đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan chuyên môn làm tốt công tác dồn đổi ruộng đất, quy hoạch đất đai, chú trọng tập huấn chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, cung ứng đủ giống, thường xuyên kiểm tra bám sát tình hình sản xuất, làm tốt công tác dự tính, dự báo tình hình sâu, bệnh hại và chỉ đạo phòng trừ kịp thời. Đồng thời, huyện tích cực huy động nguồn lực, lồng ghép các chương trình, có các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp.

Đặc biệt, lãnh đạo chính quyền địa phương các cấp đã sâu sát trong công tác điều hành, chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp nông thôn theo tinh thần Nghị quyết HĐND tỉnh và huyện đã đề ra; tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện cơ chế hỗ trợ hàng năm tại các địa phương.

“Với phương châm “cầm tay chỉ việc”, huyện Đà Bắc đã chỉ đạo các phòng ban chuyên môn, các xã, thị trấn chủ động chuẩn bị đủ lượng giống, phân bón, vật tư đảm bảo chất lượng phục vụ sản xuất trước mỗi mùa vụ; tích cực bán sát đồng ruộng, chăm sóc, theo dõi tình hình sâu bệnh, dự tính, dự báo và phòng ngừa dịch bệnh kịp thời trên diện tích cây trồng, vật nuôi; triển khai các trương trình tổng thể mang tính vĩ mô nhằm từng bước hiện đại hóa nền nông nghiệp theo hướng tập trung, hàng hóa, công nghệ cao và bền vững…” – Ông Bùi Khắc Vinh nói./.

Kim Chiến – Xuân Hiền (Nguồn:www.dangcongsan.vn)




Video tuyên truyền nông thôn mới
  • Hạ tầng giao thông, khát vọng phát triển
  • Lễ Hội Cá Tôm Sông Đà Tỉnh Hòa Bình năm 2023
  • Ứng dụng PC Covid
  • Hướng dẫn cài đặt Bluezone để phòng, chống dịch COVID-19
  • Top 12 điểm du lịch nổi tiếng tại Hòa Bình thu hút khách du lịch nhất
  • ANTV Truyền hình công an nhân dân
1 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 488
  • Trong tuần: 5 246
  • Tất cả: 771426
 BẢN QUYỀN THUỘC VỀ SỞ TÀI CHÍNH TỈNH HÒA BÌNH
Địa chỉ: Đường Trần Hưng Đạo, TP. Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình
Điện thoại: (0218) 3 852 106 - Fax: (0218) 3 852249
Email: stchoabinh@mof.gov.vn
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 47/GP-STTTT ngày 07/4/2016
 Chung nhan Tin Nhiem Mang